Bài tuyên truyền về việc hướng dẫn phòng chống rét cho cây trồng, con vật nuôi và thuỷ sản
Bài tuyên truyền về việc hướng dẫn phòng chống rét cho cây trồng, con vật nuôi và thuỷ sản
Theo dự báo của Trung tâm khí tượng Quốc gia, mùa đông năm nay (2023-2024) có khoảng 24 - 26 đợt không khí lạnh ảnh hưởng đến khu vực. Rét đậm, rét hại xảy ra từ nửa cuối tháng 12/2023 đến tháng 02/2024 với khoảng 4-6 đợt. Để chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp, các hộ nông dân cần thực hiện tốt một số biện pháp kỹ thuật sau:
1. Phòng chống rét cho cây trồng
- Đối với diện tích mạ đã gieo:
+ Che phủ 100% diện tích mạ khi nhiệt độ xuống dưới 150C. Vòm che nilon phải đảm bảo đủ độ cao giữ mặt luống và đỉnh vòm 50-55cm, nilon phải được phủ kín cả luống mạ, tuyệt đối không được hở chân (chú ý mở nilon luyện mạ khi nhiệt độ trên 150C và trước khi cấy).
+ Giữ ấm chân mạ bằng cách đảm bảo đủ độ ẩm và cung cấp đủ nước. Tuyệt đối không để mạ bị khô hạn. Bón bổ sung phân hữu cơ, kali, vi sinh, phân chuồng trại hoai mục, đất bột, tưới nước phân lân hoà loãng, tuyệt đối không được bón đạm.
- Đối với các loại rau màu: Đảm bảo đủ nước tưới, bón bổ sung lân, kali, các chế phẩm (K+Humat, KH, NANO…) tạo điều kiện cho cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt và tăng khả năng chống chịu, không bón phân đạm và ngừng gieo trồng khi nhiệt độ dưới 150C. Thu hoạch kịp thời rau màu đã đến kỳ thu hoạch đảm bảo năng suất và chất lượng.
- Không gieo, cấy khi nhiệt độ dưới 150C, điều tiết nước tưới hợp lý.
2. Phòng chống rét cho vật nuôi
2.1. Đối với chuồng trại chăn nuôi (gà, lợn)
Chuồng trại cần giữ ấm, đồng thời tạo độ thông thoáng, có hàng rào ngăn cách, có cổng và hố khử trùng ngay cổng ra vào trại, khu vực chăn nuôi. Nền chuồng khô ráo, sạch sẽ, bổ sung thêm chất độn rải nền cho vật nuôi nằm tránh để vật nuôi nằm trực tiếp với nền đất, xi măng...
Che chắn chuồng trại bằng bạt, cót... tránh mưa tạt, gió lùa, đảm bảo mái chuồng không bị dột ướt, sửa chữa kịp thời nếu cửa hỏng hóc đảm bảo đóng mở tốt, giữ ấm cho vật nuôi.
2.2. Sưởi ấm cho vật nuôi
Trong những ngày giá rét cần có các biện pháp sưởi ấm phù hợp cho từng đối tượng vật nuôi như: sử dụng quây úm, bóng hồng ngoại cho gà, vịt con; bóng sưởi, tấm sưởi cho lợn con,…
Lưu ý: Khi sưởi ấm cho vật bằng các thiết bị điện cần chú ý an toàn, cháy nổ. Khi sử dụng bếp than, củi, trấu… cần có hệ thống ống dẫn khí độc ra ngoài tránh cho vật nuôi bị nhiễm độc.
Thường xuyên quan sát và điều chỉnh nguồn nhiệt cho phù hợp với vật nuôi.
2.3. Đối với thức ăn, nước uống
Chuẩn bị đầy đủ thức ăn tinh, khoáng, vitamin, cần thiết bổ sung trực tiếp vào thức ăn, nước uống một số vitamin, khoáng chất, chất điện giải cho vật nuôi để nâng cao sức đề kháng. Chia làm nhiều bữa nhỏ để tăng cường quá trình tiêu hóa, hấp thu.
Tuyệt đối không cho vật ăn các loại thức ăn bị ôi, mốc, có mùi vị khác thường.
Nước uống: cho vật uống đủ nước sạch, uống tự do. Trong những ngày giá rét hạn chế cho vật nuôi uống nước lạnh, cần thiết phải đun ấm nước mới cho uống.
Chủ động công tác thú y, tiêm phòng vác xin định kỳ để tăng cường khả năng miễn dịch chủ động cho lợn, gia cầm. Thường xuyên quét dọn sạch sẽ chuồng nuôi và môi trường xung quanh, phun thuốc khử trùng định kỳ, khơi thông cống rãnh, tiêu diệt chuột, ruồi muỗi... để giảm áp lực mầm bệnh, bảo vệ vật nuôi.
3. Một số biện pháp kỹ thuật phòng chống rét cho thủy sản
Cấp đủ lượng nước trong ao, đảm bảo lượng nước trong ao từ 1,5-2,0m. Đối với các ao không đủ độ sâu nói trên thì có thể đào mương nhỏ trong ao cho cá rút xuống trú đông. Thường xuyên kiểm tra, theo dõi hàm lượng oxy, màu nước, độ PH trong ao. Những ngày mù trời bổ sung thêm viên bổ sung oxy, tăng cường quạt nước để tránh hiện tượng thiếu oxy và phân tầng nước.
Thả chà tạo giá thể để cá trú ẩn tránh rét ở góc phía bắc của ao nuôi. Chà có thể làm bằng lá dừa, bó rơm, bao tải...
Đối với ao thả cá giống, ao nuôi tôm thẻ chân trắng, làm khung và che phủ bề mặt ao bằng nilon màu sáng để ngăn gió, cách nhiệt không khí, tăng khả năng giữ nhiệt trong ao.
Thu tỉa thủy sản nuôi đã đạt kích cỡ thương phẩm. Khi trời rét tuyệt đối không kéo lưới để kiểm tra cá làm sây sát da dẫn đến các bệnh đốm đỏ, lở loét do nấm...gây chết cá.
Thả bèo từ ½ - 2/3 diện tích ao nuôi về phía bắc.
Tăng cường quản lý, chăm sóc thủy sản: bổ sung thức ăn đầy đủ dinh dưỡng, các chất khoáng và vitamin. Khi nhiệt độ nước ao nuôi dưới 15 0C thì ngừng cho thủy sản ăn. Thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết để có biện pháp xử lý kịp thời.
Trên đây là hướng dẫn của Ban chỉ đạo sản xuất nông nghiệp xã về các biện pháp phòng chống rét cho cây trồng, vật nuôi và thuỷ sản đề nghị nhân dân chủ động thực hiện để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp do rét đậm, rét hại gây ra./.
Tác giả: Nguyễn Thị Nga - Công chức Địa chính NN xã Tiên Thắng